Là một nghệ sĩ ballet và đã dành gần như cả đời ở nước ngoài để theo đuổi nghệ thuật, Sihamoni dường như không đam mê tiền bạc hay quyền lực. Cũng chính vì thế, ông được cả Quốc vương Sihanouk và Thủ tướng Hun Sen cho là người phù hợp nhất để đứng đầu vương triều của đất nước chùa tháp.
Norodom Sihamoni. |
Thừa hưởng sự say mê nghệ thuật của vua cha, Sihamoni theo đuổi tình yêu với các vũ điệu, âm nhạc và điện ảnh, đồng thời rất miễn cưỡng khi đóng vai trò biểu tượng của quốc gia.
Mặc dù làm đại diện cho Campuchia tại UNESCO, Sihamoni không hề tham gia vào nền chính trị của nước nhà. Julio Jeldres, người viết tiểu sử của Sihanouk, cho biết mãi đến gần đây Sihamoni vẫn quan tâm đến nghệ thuật Khmer hơn là chính trị của Campuchia.
Hoàng thân Sihamoni sinh ngày 14/5/1953, là người con duy nhất của quốc vương và hoàng hậu Monineath còn sống sót sau nạn diệt chủng ở Campuchia. Cái tên Sihamoni được ghép từ hai âm tiết đầu của tên quốc vương Sihanouk và và Hoàng hậu Monineath.
Con đường nghệ thuật của ông bắt đầu ở tuổi 14 khi Sihamoni đóng vai chính trong phim “Hoàng tử bé”, một trong số những tác phẩm điện ảnh của Quốc vương Sihanouk.
Người anh em họ của hoàng thân, ông Oum Daravuth, cho biết Sihamoni không được biết đến nhiều lắm ở Campuchia đồng thời là người cực kỳ chăm chỉ khi còn bé.
“Ông ấy không bao giờ đến vũ trường hay quán bar với tôi mà thường ở nhà cùng cha mẹ và đọc sách”, Daravuth nói.
Năm 1975, Sihamoni tốt nghiệp trung học tại tại Prague và năm sau đó bắt đầu học múa, âm nhạc và diễn kịch tại Học viện Âm nhạc và Nhà hát quốc gia Czech và viết luận văn về nghệ thuật của Campuchia.
Sau đó, ông chuyển đến Bình Nhưỡng để theo học ngành quay phim nhưng việc học hành của ông gián đoạn vào tháng 4/1976 khi ông nhận được một bức điện có chữ ký giả của quốc vương triệu hồi về Phnom Penh.
Chế độ Khmer Đỏ của Pol Pot đã lên nắm quyền một năm trước đó và gây ra cái chết của gần hai triệu người Campuchia. 4 trong số 14 người con của Quốc vương Sihanouk bị giết hại trong giai đoạn này.
Sihamoni bắt đầu chịu cảnh giam lỏng cùng bố mẹ và các thành viên khác trong hoàng tộc. Ông cùng họ trồng rau và hoa quả trong cung điện, nơi gia đình ông bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài.
Sau khi chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ năm 1979, Sihamoni cùng cha mẹ sang Bắc Kinh. Ông trở thành thư ký riêng của Sihanouk.
Jeldres nhận định chính giai đoạn này khiến Sihamoni trở thành người con gần gũi nhất với quốc vương và cũng là người con duy nhất được quốc vương gọi bằng đại từ “tu” khi ông nói tiếng Pháp.
Năm 1981 Sihamoni đến Paris và dạy vũ cổ điển. Ông thành lập nhóm múa Ballet Deva chuyên biểu diễn những tiết mục mà ông biên soạn.
Năm 1993, Sihamoni được bổ nhiệm làm đại sứ của Campuchia tại Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO), tại Paris và giữ chức vụ này đến giữa năm 2004.
Sihamoni không kết hôn và không có con. Ông có thể nói thông thạo tiếng Pháp, Khmer và tiếng Czech.
Daravuth cho biết Sihamoni sống giản dị. “Ông ấy không tham vọng gì về tiền bạc hay của cải. Ông ấy không phải là người đam mê vật chất. Từ khi còn bé cho đến khi làm đại sứ của Campuchia tại UNESCO, ông ấy là người cầu toàn”.
Ngọc Sơn (theo AFP, BBC)
Nguồn bài viết: http://vnexpress.net/GL/The-gioi/Tu-lieu/2004/10/3B9D76B1/